Tôi cũng từng trải qua tuổi 30, cũng từng cảm thấy chán nản vô cớ . Tôi xin nghỉ phép ba ngày ở nhà tập trung suy nghĩ vì sao tôi cảm thấy chán nản. Cuối cùng tôi phát hiện ra rằng, công việc mà tôi đang làm đã không còn đủ thách thức, không đủ gây áp lực cho tôi nữa.
Lúc đó, tôi đã làm công việc ấy suốt tám năm. Quan hệ của tôi với cấp trên khá tốt. Tôi gọi điện xin phép gặp mặt nói chuyện với sếp ở nhà riêng của sếp. Sếp đồng ý. Sau khi nghe tôi trình bày, sếp mở to mắt nhìn tôi chằm chằm rồi cười phá lên: "Tôi hiểu ý cậu, cậu muốn lên lương lên chức, đúng không?". Tôi trả lời :"Em chỉ muốn nhận công việc có tính thách thức hơn thôi". Sếp nói: "Làm nhân viên làm sao có áp lực được, làm sếp mới có áp lực chứ".
Sếp tôi giải thích: "Mọi nhân viên đều phải dịch thuật có tư tưởng lên sếp, bằng không, nhân viên ấy là nhân viên thất bại. Ghế sếp chỉ có một, nhân viên nào cũng có tư tưởng đó thì chỗ đâu mà ngồi? Vấn đề là cậu có dám hay không mà thôi và dám vào lúc nào, trước hay sau người ta". Tôi thắc mắc: "Ý của anh là sao ạ?". Sếp nói: "Cậu về rà soát lại mọi thao tác trong công việc của cậu xem có thao tác nào có thể rút ngắn thời gian hơn nữa được không, thao tác nào rườm rà không cần thiết thì bỏ đi hoặc đơn giản hóa thao tác đó rồi nhập vào thao tác khác. Khi toàn bộ công việc của cậu đã rút ngắn thời gian thực hiện đáng kể thì "cuộc chiến" giữa cậu và các đồng nghiệp khác sẽ bắt đầu".
Công việc tốt, thu nhập ổn nhưng tôi chán chường 3 năm qua
Tôi hỏi lại: "Cuộc chiến" là sao ạ?". Sếp nói: "Cậu tăng tốc độ làm việc thì người khác ở khâu khác, thậm chí phòng ban khác, bộ phận khác cũng phải tăng tốc độ tương ứng mới kịp với tốc độ làm việc của cậu.
Công ty có rất nhiều nhân viên thất bại, làm việc theo lối mòn, thiếu sáng tạo lâu dần trở thành "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về". Những người này sẽ phản ứng quyết liệt với cậu vì cậu đã làm cho họ phải đi chệch khỏi lối mòn quen thuộc. Ban Giám Đốc đã sớm nhìn thấy tình trạng này nhưng chưa tìm được khâu nào để đột phá, không cẩn thận sẽ dẫn đến phản tác dụng, "bứt dây động rừng".
Cậu chính là nơi mà chúng tôi cần đột phá. Cậu không phải là người duy nhất, không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng. Tuy nhiên, cậu vẫn là người duy nhất ở bộ phận kinh doanh cho đến thời điểm này. Chỉ cần vài người như cậu thôi (ở các bộ phận khác), kế hoạch thay đổi nhân sự của chúng tôi sẽ bắt đầu tiến hành. Nếu cậu dám làm thì chúng tôi sẽ âm thầm đứng sau hỗ trợ cậu. Sau khi cải tiến công việc xong thì nộp báo cáo lên cho tôi và chuẩn bị tinh thần chống phản biện đi".
Công ty quản trị kém tạo cớ cho sếp ra lệnh miệng
Sau cuộc nói chuyện với sếp, tôi quyết định "dấn thân". Khỏi phải nói, áp lực từ các đồng nghiệp khác lớn đến mức tôi muốn bỏ việc tìm việc làm ở nơi khác. Tuy nhiên, nhìn vào ánh mắt đầy hy vọng của các cấp trên, tôi quyết định "chơi đến cùng". Cấp trên tuy không trực tiếp can thiệp nhưng vẫn âm thầm hỗ trợ bằng cách đồng ý với các đề xuất của tôi.
Cuối cùng, "giờ G" cũng đến – hội nghị khách hàng. Các nhân viên trung tầng như chúng tôi được yêu cầu tham gia hội nghị khách hàng để tiếp nhận ý kiến của họ. Tại đây, nhiều khách hàng lên tiếng khen ngợi công ty ở điểm này điểm nọ - là những điểm mà tôi đề xuất thực hiện – đồng thời yêu cầu công ty phát huy hơn nữa. Họ cũng chỉ trích vào những nhược điểm khác của công ty – cũng là công việc của mấy người "sống mòn".
Sau hội nghị khách hàng, Ban Giám đốc tiến hành đổi mới nhân sự hàng loạt, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng ISO 9002 (thời điểm năm 2000). Và tôi, đương nhiên được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận kinh doanh. Ở chức vụ mới, tôi phải chịu áp lực công việc lớn hơn rất nhiều so với khi còn làm nhân viên nghiệp vụ. Cũng may, đã trải qua kinh nghiệm "chinh chiến" với các đồng nghiệp "sống mòn", tôi biết cách phải làm thế nào.
Tôi chỉ 'đòi' lương 30 triệu đồng dù công ty đề nghị cao hơn
Tôi rà soát lại mọi công việc của bộ phận kinh doanh, cải tiến hiệu suất làm việc. Sau đó, tôi gọi từng nhân viên nghiệp vụ lên phổ biến nguyên tắc làm việc mới, ai chấp nhận thì tiếp nhận công việc, ai không chấp nhận thì tôi sẽ trả họ lại cho phòng tổ chức nhân sự (chức vụ này của tôi không có quyền sa thải ai) và đề xuất với phòng nhân sự tuyển nhân viên mới theo yêu cầu của tôi. Trong khi chờ tuyển người mới, tôi gánh tất cả công việc của những người không chấp nhận nguyên tắc mới.
Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất, áp lực nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi đã vượt qua được và cảm thấy mức độ trưởng thành, kinh nghiệm làm việc của tôi tăng lên rất nhiều. Tôi thử nộp CV cho bốn công ty khác nhau. Đáng ngạc nhiên là họ chấp nhận tôi vào làm với mức lương bằng hoặc cao hơn. Tôi không nhảy việc vì tôi lo sếp ở công ty mới chưa chắc đã bằng với sếp ở công ty cũ.
'Tuổi 35 mà chưa làm sếp, cần xem lại năng lực bản thân'
Sau 15 năm làm việc, sếp trực tiếp của tôi về hưu và tôi được bổ nhiệm thay vào vị trí của ông. Làm việc gì cũng vậy, khi đã quen với công việc thì tính áp lực sẽ giảm đi và bạn sẽ cảm thấy chán. Để gia tăng áp lực công việc, tôi đem những khoản tiết kiệm mà tôi có đầu tư vào các "dự án" sinh lợi ngoài công ty. Có thành công, có thất bại nhưng thu nhập vẫn tăng vọt, cao hơn lương rất nhiều. Ầy, dù tôi cố gắng đến đâu cũng không theo kịp bà xã "nữ doanh nhân".
Tóm lại, người ta phải có áp lực nào đó thì cuộc đời mới "đáng sống" chứ còn không có áp lực gì thì chẳng hóa ra "sống mòn". Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao các tỷ phú, các đại gia nhiều tiền lắm của đến thế mà vẫn làm việc đến chết bởi vì ở cấp độ này, họ làm việc đã không phải chỉ để kiếm tiền. Ví như Bầu Đức, Bầu Hiển, ước mơ của họ chả phải là làm cho Việt Nam có nền bóng đá tốt hơn ? Không tiền thì ước mơ ấy thực hiện kiểu gì?
Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây .
Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét