Trong nhiều tuần qua, sự tập trung của thế giới hầu hết dồn vào Trung Quốc, nơi khởi phát dịch Covid-19 và chiếm phần lớn số ca nhiễm. Trung Quốc đại lục hiện ghi nhận 77.658 ca bệnh và 2.663 người tử vong, trong khi con số này trên toàn cầu lần lượt là hơn 80.000 và gần 2.700.
Khoảng 780 triệu người Trung Quốc, tương đương hơn một nửa dân số nước này, bị hạn chế đi lại dưới nhiều hình thức nhằm ngăn nCoV lây lan. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hàn Quốc, Italy và Iran, các hệ thống chính trị, cũng như bộ máy y tế vô cùng khác biệt cũng bị đặt vào thử thách tương tự.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/2 cảnh báo cả thế giới chưa sẵn sàng cho một đại dịch toàn cầu, nói thêm rằng sự phản ứng đồng bộ vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại và kiềm chế dịch bệnh vốn dĩ không còn nhiều cơ hội ngăn cản.
Theo bình luận viên Mark Landler của NY Times, việc Italy, Iran và Hàn Quốc trở thành những trung tâm mới của dịch Covid-19 cho thấy sự thiếu vắng một chiến lược phối hợp toàn cầu đối phó với nCoV.
Nhân viên y tế nghỉ ngơi bên ngoài một bệnh viện ở Daegu hôm 23/2. Ảnh: AFP . |
Tại Iran, chính quyền quyết định đóng cửa các trường học, trung tâm văn hóa trên khắp 14 tỉnh để chống dịch Covid-19. Giới chức Iran công bố 61 người nhiễm bệnh và 12 ca tử vong. Tuy nhiên, thông tin này bị nghi ngờ khi nghị sĩ Ahmad Amiriabadi Farahani nói 50 người đã chết tại thành phố Qom kể từ ngày 13/2 vì nCoV.
Phát biểu của nghị sĩ này khiến nhiều người ngay lập tức liên tưởng vụ Iran che giấu việc bắn nhầm máy bay Ukraine tháng trước, khiến 176 người chết. Chính phủ Iran sau đó phải lên tiếng bác bỏ thông tin do Farahani đưa ra, khẳng định sẽ minh bạch về số ca nhiễm nCoV và các trường hợp tử vong.
Sự thiếu tin tưởng khiến các nước láng giềng của Iran trở nên cảnh giác cao độ. Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời đóng cửa biên giới với Iran hôm 23/2. Afghanistan, nơi xuất hiện ca nhiễm nCoV đầu tiên hôm 24/2, ra lệnh cấm công dân tới Iran, ngoại trừ những chuyến đi nhằm mục đích "nhân đạo thiết yếu".
Tuy nhiên, các biện pháp như vậy không đủ để ngăn nCoV lây lan. Các ca nhiễm bắt đầu xuất hiện tại nhiều quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Iraq, Lebanon, Israel, Egypt, Kuwait và Oman.
"Các quốc gia đó sẽ báo cáo không đầy đủ về những trường hợp nhiễm bệnh, nhằm chứng tỏ họ không gặp phải thảm họa tồi tệ nào, hoặc họ không muốn bị cáo buộc gây rắc rối cho phần còn lại của thế giới", Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota, Mỹ, bày tỏ lo ngại.
Chuyên gia này nói thêm rằng đến một lúc nào đó, nCoV sẽ lan rộng và trở thành vấn đề toàn cầu, tới mức không còn liên quan đến nơi khởi phát. Mặc dù vậy, người Trung Quốc ở nước ngoài vẫn bị nghi ngờ, thậm chí thù địch. Tại Hàn Quốc, địa điểm du lịch phổ biến của người Trung Quốc, một số cửa hàng treo biển cấm người dân nước này.
Hàn Quốc đã trở thành "ổ dịch" Covid-19 lớn thứ hai thế giới với ít nhất 977 ca nhiễm và 11 người tử vong, khiến chính phủ nâng cảnh báo nCoV lên mức cao nhất và thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát. Tình trạng này thúc đẩy ít nhất 15 quốc gia và vùng lãnh thổ áp lệnh cấm hay hạn chế nhập cảnh đối với công dân Hàn Quốc, hoặc người từng đến Hàn Quốc.
Tại Italy, giới chức phong tỏa hơn 50.000 người tại 11 thị trấn thuộc vùng Lombardy phía bắc trong nỗ lực ngăn chặn nCoV lan sang thành phố Milan, tránh nguy cơ nền kinh tế bị tê liệt. Nước này đã ghi nhận 229 ca bệnh , trong đó 7 người tử vong.
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ đang giữ liên lạc thường xuyên với chính phủ Italy, trong khi những nước láng giềng hùng mạnh như Đức và Pháp cam kết duy trì mở cửa biên giới. EU không khuyến cáo các quốc gia thành viên áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen, nơi hành khách di chuyển qua biên giới mà không bị kiểm tra hộ chiếu.
"Bất cứ quyết định nào cũng cần dựa trên đánh giá về rủi ro, những tham vấn khoa học và phải phù hợp", Stella Kyriakides, ủy viên phụ trách an toàn sức khỏe và thực phẩm của EU, cho hay. "Chúng tôi nhấn mạnh rằng WHO hiện nay chưa khuyến cáo thay đổi hoặc áp đặt hạn chế trong di chuyển Công ty dịch thuật chuyên nghiệp - MIDtrans Blog và giao thương".
Bất chấp những tuyên bố này, các nước châu Âu vẫn cảnh giác cao độ. Áo hôm 23/2 hoãn một chuyến tàu tại biên giới Italy do nghi ngờ hai trong số 300 hành khách từ Venice nhiễm nCoV. Sau khi hai người này được xác nhận âm tính, con tàu mới được phép đi vào Áo.
Các chuyên gia nhận định trong giai đoạn hiện nay của dịch Covid-19, đóng cửa biên giới là biện pháp khá vô ích. Trong nhiều trường hợp, nCoV đã lây nhiễm vào các nước trước khi biên giới bị phong tỏa. Việc phát hiện ca bệnh cũng ngày càng khó khăn do nCoV đang truyền từ những người triệu chứng nhẹ, thậm chí được cho là từ người không có triệu chứng.
"Mọi người luôn tìm cách di chuyển. Thậm chí trước khi Trung Quốc áp lệnh phong tỏa nhiều thành phố, hàng triệu người đã rời đi", giáo sư Devi Sridhar, giám đốc chương trình quản trị y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh, Scotland, lưu ý.
Sridhar cho rằng châu Âu có lợi thế hơn so với những khu vực khác trên thế giới trong cuộc chiến chống nCoV, nhờ hệ thống dữ liệu xác thực và lòng tin của công chúng vào cơ quan y tế. Tuy nhiên, bình luận viên Landler đánh giá ngay cả châu Âu cũng xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại về sự thiếu phối hợp.
Khi số ca nhiễm nCoV tại Italy tăng vọt cuối tuần qua, giới chức EU gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các nước thành viên khác nhanh chóng chia sẻ thông tin, đồng thời phối hợp để tìm cách ứng phó dịch bệnh. Thực trạng này rất giống những gì đã diễn ra ở Trung Quốc, nước từng bị chỉ trích gay gắt vì phản ứng ban đầu chậm chạp và thiếu minh bạch với dịch Covid-19.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 23/2 thừa nhận dịch Covid-19 là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng lớn nhất" trong lịch sử đất nước. Bắc Kinh cũng quyết định lùi kỳ họp quốc hội dự kiến khai mạc đầu tháng sau, động thái chưa từng có trong 25 năm.
Các chuyên gia y tế đánh giá Trung Quốc đã hành động quyết liệt ngay sau khi "thức tỉnh" trước mối đe dọa. Phái đoàn của WHO tại Trung Quốc cho biết những biện pháp mạnh mẽ của chính phủ nước này có thể đã giúp hàng trăm nghìn người không bị nhiễm nCoV.
Tuy nhiên, bác sĩ Bruce Aylward, trưởng phái đoàn của WHO, cảnh báo những quốc gia khác cũng cần phản ứng kịp thời và kiên quyết trong bối cảnh nCoV đang lây lan nhanh chóng. "Tất cả phải xem xét lại hệ thống của mình bởi chúng không hoạt động đủ nhanh", ông nói.
"Trước bước ngoặt mới, thế giới cần trả lời câu hỏi phải cùng nhau làm gì để chống lại nCoV", chuyên gia Osterholm, cho hay.
Ánh Ngọc (Theo NY Times )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét